Về thời gian xem, BBC đã đo lường được sự sụt giảm đến 89% mỗi năm kể từ khi BBC3 được đưa lên các nền tảng số so với truyền hình truyền thống trước đây. Ngay cả khi, BBC cộng gộp cả lượng người xem các chương trình của BBC3 được phát sóng lại trên các kênh khác của BBC, sự sụt giảm vẫn lên đến 72%.
Sau khi chuyển sang nền tảng số, BBC thống kê được 79% thời gian xem BBC3 trực tuyến vẫn là qua TV (bằng dịch vụ VOD của BBC, iPlayer và trên Smart TV). Điều đó cho thấy TV vẫn là thiết bị ưa thích để xem nội dung truyền hình, ngay cả với một kênh đã hoàn toàn chuyển lên trực tuyến.
Trước khi chuyển đổi, BBC3 tự tin rằng sự sụt giảm sẽ không đáng kể và với đối tượng là khán giả trẻ, họ vẫn xem tiếp tục xem BBC3 trên các nền tảng số. Nhận định đó đã được chứng minh là rất sai lầm. So sánh 1 năm trước khi ngừng phát sóng, lượng khán giả mục tiêu từ 16–34 tuổi đã giảm 69% hàng tuần và 60% hàng tháng. Đối với toàn bộ khán giả Anh ở mọi lứa tuổi thì sụt giảm đối với người xem hàng tuần là −70% và hàng tháng là −63%. Như vậy, lượng khán giả sụt giảm ước tính gấp 5 lần so với mức bình thường nếu BBC3 tiếp tục phát sóng truyền thống.
BBC3 là kênh truyền hình lớn đầu tiên đóng cửa nền tảng phát sóng truyền thống và chuyển đổi lên trực tuyến. Vào tháng 5/2020, BBC đã thông báo rằng công ty đang xem xét kế hoạch đưa BBC3 trở lại truyền hình truyền thống sau bốn năm dừng phát sóng.
Trường hợp của BBC3 cho thấy truyền hình truyền thống vẫn quan trọng đối với khán giả như thế nào. Nền tảng số không phải lúc nào cũng là bức tranh màu hồng và việc nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của khán giả mục tiêu mới là điều quyết định đến sự sống còn của một kênh truyền hình.
Thanh Mai.