Ngày Truyền hình thế giới 21/11
Thông qua truyền hình, các cuộc chiến tranh, các cuộc xung đột và các mối đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới đã thu hút được sự quan tâm của toàn nhân loại một cách trực quan, sinh động và chân thực. Truyền hình còn có vai trò tiềm năng trong việc tập trung vào các vấn đề lớn khác, bao gồm các vấn đề kinh tế và xã hội, văn hóa và giáo dục, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 51/205 ngày 17 tháng 12 năm 1996 tuyên bố ngày 21 Tháng 11 là Ngày Truyền hình Thế giới.
Ngày Truyền hình Thế giới không phải là ngày kỷ niệm một công cụ truyền tải thông tin, mà để ghi nhận triết lý mà truyền hình đại diện. Truyền hình chính là biểu tượng cho truyền thông và toàn cầu hóa trong thế giới đương đại.
Nhìn lại lịch sử, vào ngày 21 và 22 tháng 11 năm 1996, Liên hợp quốc đã tổ chức Diễn đàn Truyền hình Thế giới lần đầu tiên. Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Diễn đàn là cuộc gặp gỡ của các nhân vật truyền thông hàng đầu thế giới để thảo luận về tầm quan trọng ngày càng gia tăng của truyền hình và những cách thức tăng cường hợp tác trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đó là lý do tại sao Đại hội đồng đã quyết định công bố ngày 21 tháng 11 là Ngày Truyền hình Thế giới.
Ở đây nhấn mạnh đến vai trò tác động của truyền hình đến quá trình ra quyết định của các chính phủ, các tổ chức và cá nhân trong các vấn đề toàn cầu. Do đó, truyền hình được thừa nhận là một công cụ chính trong việc cung cấp thông tin, phân luồng và tác động đến dư luận. Không thể phủ nhận tác động và sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của nó đối với nền chính trị thế giới.
“Sự đa dạng”- chủ đề của Ngày Truyền hình thế giới 2020
Năm nay, trong bối cảnh toàn thế giới bị bao trùm bởi đại dịch Covid-19, khắp thế giới kỷ niệm Ngày Truyền hình Thế giới lần thứ 23 với chủ đề “Sự đa dạng”.
“Sự đa dạng” là một chủ đề xã hội xuất hiện ngày càng nhiều trong các chương trình truyền hình và chiến dịch quảng cáo. Thông qua nhiều thể loại nội dung, truyền hình chính là lực lượng truyền tin mạnh mẽ hướng tới mục tiêu tích cực và góp phần vào dòng chảy thảo luận trong xã hội. Nội dung chất lượng đa dạng có thể kích thích người xem mở mang đầu óc và nhìn xa hơn cuộc sống hàng ngày thông qua các chương trình truyền cảm hứng.
“Sự đa dạng là một thành phần quan trọng của một xã hội tích cực và sôi động”. Mọi nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau chỉ có thể đóng góp vào một thế giới tốt đẹp hơn.”- Caroline Petit, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Khu vực Châu Âu (UNRIC) của Liên hợp quốc, khẳng định.
“Truyền hình thực sự gắn bó với cuộc sống của rất nhiều người trên khắp thế giới. Với hàng triệu câu chuyện trong tầm tay, người xem được mời vào một hành trình khám phá bất tận. Đây cũng là môi trường đáng tin cậy mà các nhà quảng cáo đang tìm kiếm hơn bao giờ hết. Chúng tôi mời tất cả mọi người một lần nữa kỷ niệm phương tiện của chúng tôi trên toàn thế giới – bây giờ và trong nhiều năm nữa. ” Katty Roberfroid, Tổng giám đốc Hiệp hội thương mại Châu Âu về tiếp thị quảng cáo trên phát thanh truyền hình (egta)
Cẩm Vân