Một trong những nguyên nhân tạo ra độ “hot” cho thể loại này có lẽ là thời lượng phát sóng của thể loại này áp đảo hoàn toàn so với các thể loại khác với trên 60% tổng thời lượng phát sóng.
Đáng chú ý là cùng thể loại phim tâm lý, các phim Việt được nhà đài lựa chọn khai thác nhiều hơn hẳn các quốc gia khác với tổng thời lượng phát sóng trên tất cả các kênh tại thị trường Hà Nội trong 6 tháng là 828.198 phút (19.719 lượt phát sóng), nhiều gấp gần 3 lần so với phim Mỹ xếp thứ 2 với thời lượng 398.728 phút (9.062 lượt phát sóng). Kênh VTV1, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ phát sóng phim truyền hình dài tập của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng số lượng phim Việt nhiều gấp 4 lần, vượt trội so với phim Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, thể loại phim Sitcom từng làm mưa làm gió vào những năm 2017, 2018 đang dần ít được quan tâm hơn, thời lượng của thể loại phim này đã giảm đến 90% so với năm 2019 và chỉ góp mặt 1 đại diện duy nhất trên top 10 các bộ phim truyền hình được ưa thích là Góc phố muôn màu với chỉ số rating 9.48%.
So với những năm trước, thời gian gần đây, phim truyền hình sản xuất trong nước đã được các nhà đài chú trọng khai thác hơn, phục vụ đông đảo khán giả hơn. Những bộ phim Việt được đầu tư tốt, kịch bản hay, diễn viên tốt, lại được phát sóng vào khung giờ vàng trên những kênh top đầu của thị trường là VTV1 và VTV3 nên đã tạo hiệu ứng cộng hưởng, trở thành “món ăn đặc sản” được đón chờ mỗi buổi tối của khán giả nhiều lứa tuổi.
Những nhóm khán giả nào đã làm nên chỉ số rating trung bình ấn tượng của phim truyền hình dài tập Việt Nam tại thị trường Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020? Câu trả lời sẽ được VIETNAM-TAM đưa ra trong những bài viết tiếp theo.
Ngân Anh