Điểm đáng chú ý đầu tiên là về thời gian xem tivi trong ngày. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, VIETNAM-TAM ghi nhận thời gian xem tivi của khán giả tăng lên đáng kể rồi nhanh chóng trở về mức thông thường sau giãn cách. Mặc dù vậy, thời gian xem tivi trung bình của nhóm khán giả 16-30 tuổi không thay đổi nhiều so với Quý 1/2020, khoảng 3 giờ 15 phút mỗi ngày. Đây là nhóm tuổi sử dụng thiết bị di dộng cá nhân nhiều nhất tại thị trường Việt Nam. Giai đoạn giãn cách xã hội chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ thời gian sử dụng thiết bị di động và internet tại Việt Nam.
Tiếp theo là thể loại chương trình được quan tâm nhất. Khung giờ 19h00-22h00 tại thị trường Hà Nội luôn có sự “thống trị” của 2 kênh lớn là VTV1 và VTV3 với các chương trình thời sự, tin tức cập nhật và những chương trình giải trí hấp dẫn, phim dài tập thu hút đông đảo khán giả. Tuy nhiên, số liệu do VIETNAM-TAM ghi nhận cho thấy khán giả trẻ 16 đến 30 tuổi dành sự quan tâm nhiều hơn hẳn đến các chương trình tin tức, thời sự với chỉ số TVR đạt 1,74% và chuyên mục Thông tin thời tiết thậm chí đạt rating vượt trội là 7,64%, bỏ xa thể loại Dài tập với 0.61% với Phim tâm lý nhiều tập là 1,30%.
Như vậy, khung giờ “vàng” của nhóm khán giả 16-30 tuổi ngắn hơn, chỉ từ 19h00-20h00. Thể loại Phim dài tập, phát sóng chủ yếu trong khung giờ 20h00-22h00, chỉ góp mặt 3 đại diện top 20 chương trình được quan tâm nhất. Bộ phim về đề tài phòng chống dịch Covid “Những ngày không quên” có thứ hạng cao nhất (Top 3). Các chương trình còn lại thuộc các thể loại Chuyên đề, Phim tài liệu và chương trình khác như: Cuộc sống vẫn tiếp diễn, VTV Travel – Du lịch cùng VTV, Vì tầm vóc Việt, Câu chuyện từ vùng dịch…
Ngoài ra, ở một số thể loại chương trình có sự khác biệt rõ rệt về thị hiếu của các khán giả nam và nữ. Nhìn chung, giới nữ có xu hướng xem tivi nhiều hơn so với nam giới. Ở hầu hết các thể loại nội dung, tỉ lệ nữ giới xem truyền hình đều trên 50%. Các chương trình ký sự, ca nhạc, Gameshows, Sự kiện, Chương trình giáo dục thì tỉ lệ Nam giới có cao hơn đôi chút. Riêng thể loại gameshow, tỉ lệ khán giả nữ giới chỉ bằng 1/4 so với nam giới, và đã giảm tới 39% so với Quý 1.
Nhìn vào biểu đồ về tỉ lệ nam-nữ trong độ tuổi 16-30 xem các thể loại chương trình, dễ dàng nhận thấy một sự đối lập gần như nghịch lý. Trong khi nam giới trong nhóm từ 16-30 tuổi gần như không xem các chương trình dành cho trẻ em trong khi nữ giới lại dành nhiều thời gian nhất cho thể loại này. Số liệu này cho thấy thói quen xem chương trình truyền hình ít nhiều phản ánh những khía cạnh khác của đời sống và có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mọi số liệu được VIETNAM-TAM thu thập và ghi nhận theo phương pháp khoa học và công nghệ hiện đại chuẩn quốc tế một cách chính xác, khách quan, minh bạch và đáng tin cậy. Đây là những con số biết nói và là một góc nhìn khác về những hoạt động thường nhật của đời sống. VIETNAM-TAM sẽ tiếp tục đem đến những thông tin hữu ích trong các bài tiếp theo.
Dũng Tuấn