Kết quả đo lường mới nhất của VIETNAM-TAM trong nửa cuối 2020 cho thấy: tỉ lệ khán giả trên 55 tuổi (viết tắt là P55+) tham gia tích cực vào các kênh truyền thông, trong đó truyền hình luôn ở ngưỡng rất cao. Bình quân mỗi phút luôn có khoảng 13% khán giả trên 55 tuổi xem tivi trong ngày, bất kể thành phần kinh tế xã hội hay giới tính. Khán giả nhóm này rất yêu thích đến các chương trình về quá khứ, hoài niệm, lịch sử, bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và sức khỏe. Đối với lĩnh vực chính trị, họ có sự quan tâm đặc biệt đến các nội dung về kháng chiến, về Đảng, Quốc hội và quân đội. Ngoài ra là lĩnh vực xã hội, giáo dục, văn hóa, đời sống. Các chương trình giải trí bao gồm các bộ phim tâm lý xã hội, tình cảm gia đình… cũng được thường xuyên theo dõi. Nhìn chung, không có giới hạn đối với các mảng đề tài được quan tâm hay các lĩnh vực được yêu thích nhất của khán giả cao tuổi.
Trong một phóng sự phát sóng trên Đài PT-TH Hà Nội gần đây, nhiều khán giả người lớn tuổi rất mong muốn xem nội dung có sự kết nối giữa các thế hệ, thông qua đó họ gửi gắm cảm xúc vào cộng đồng, phần nào đáp ứng các nhu cầu giải trí, thu nhận thông tin và có thể cũng là cách họ lặng lẽ cảm nhận thời gian trôi qua. Mặt khác, những khán giả có xu hướng tích cực hơn với nền tảng giáo dục tốt hơn lại thường dành thời gian đọc báo và tiếp cận thông tin qua các kênh truyền thông khác.
Nhìn chung, thị hiếu khán giả cao tuổi ít liên quan đến trạng thái xem, như xem cùng ai hoặc sống cùng ai đó. Tuy nhiên, khán giả P55+ Việt Nam thường ít khi xem một mình bởi đa số họ vẫn sống cùng người thân trong gia đình. Khi phân tích số liệu về xu hướng xem truyền hình dựa theo giới tính, VIETNAMTAM nhận thấy nữ giới thường thích xem các chương trình giải trí, phim truyền hình lãng mạn, trong khi nam giới dành thời gian cho chương trình tin tức, sự kiện, hành động, phòng chống tội phạm. Về khu vực địa lý, nếu như khán giả Hà Nội chú trọng nhiều hơn đến các chương trình tin tức, sự kiện trong khi khán giả các khu vực còn lại có sự đan xen giữa tin tức và các chương trình giải trí, chương trình thực tế.
Mặc dù người cao tuổi dành phần lớn thời gian xem các chương trình truyền hình, tuy nhiên khán giả từ độ tuổi 70 trở lên đã bắt đầu có sự suy giảm rất mạnh. Điều này được lý giải thông qua quá trình rút lui dần khỏi xã hội của một con người, mặt khác cho thấy các vấn đề liên quan đến thị giác, thính giác cũng như sự minh mẫn ở tuổi này đã giảm sút.
Số liệu đo lường của VIETNAMTAM phần nào cho thấy mỗi người trong độ tuổi cao niên có những lựa chọn rất riêng trong việc tiếp cận thông tin và giải trí qua truyền hình. Để có thể phản ánh và đáp ứng được thị hiếu của nhóm khán giả này, những người làm chương trình lắng nghe mong muốn của họ thông qua cách trò chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp, sử dụng số liệu đo lường chính xác, tin cậy về cách thức “tiêu dùng” truyền hình của họ.
Theo một bài báo đăng trên www.medialit.org, thị hiếu xem truyền hình của khán giả cao tuổi không bị tác động bởi xu hướng hay số đông nhưng chịu tác động của xuất thân, trình độ học vấn, nghề nghiệp và lịch sử phát triển của bản thân. VIETNAM-TAM sẽ tiếp tục đưa ra những số liệu chính xác, khách quan, minh bạch và đáng tin cậy về những khác biệt này trong bài viết sau.
Huệ Chu