Liệu Covid-19 có thay đổi cách chúng ta xem thể thao? (Phần 1)

  • Các giải đấu thể thao đã trở lại, nhưng dữ liệu đo lường cho thấy không phải tất cả khán giả yêu thích thể thao cũng quay trở lại sau thời gian gián đoạn do COVID-19.
  • Đại dịch đã chứng minh video streaming là dịch vụ đang được khán giả ưa chuộng trong lĩnh vực truyền hình.
  • Liệu ngành công nghiệp thể thao truyền hình có thể tìm ra một mô hình mới kết hợp giữa truyền hình trực tiếp sự kiện thể thao với nội dung trực tuyến nhằm thu hút và giữ chân khán giả?

Corona virus đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các giải thể thao chuyên nghiệp trong năm 2020 với việc hầu hết các giải đấu thể thao đều phải tạm dừng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thể thao đã thể hiện khả năng ứng phó đáng kinh ngạc trước những khó khăn do COVID-19 gây ra. Sự trở lại của các giải đấu là một trong những biểu tượng của việc thế giới vượt qua đại dịch. Thế nhưng, số liệu đo lường truyền hình sau khi các trận đấu quay lại cho thấy lượng người xem đã giảm ở hầu hết các môn thể thao chính.

covid 19 sport 04

Sự sụt giảm diễn ra trong bối cảnh lượng khán giả truyền hình truyền thống ngày càng giảm, và đại dịch càng khẳng định xu hướng “Direct to consumer” (D2C) đang là hình thức đưa nội dung video tới khán giả hiệu quả nhất. Truyền hình truyền thống vẫn đang giữ chân một lượng lớn khán giả chính là nhờ các giải thể thao hấp dẫn, điều mà các dịch vụ online streaming không có. Tuy nhiên, xu hướng online streaming ngày càng lớn làm dấy lên suy đoán rằng ngành công nghiệp thể thao có thể thay đổi mô hình phân phối của mình từ truyền hình trả tiền (PayTV) sang truyền hình trực tuyến D2C.

Một số bài báo cho rằng 2021 là thời điểm thích hợp để truyền tải các giải thể thao chuyển sang nền tảng kỹ thuật số hoàn toàn. Truyền hình truyền thống hiện tại có quá nhiều các giải thể thao, trong khi giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với thể thao như các thế hệ trước. Việc sở hữu gói truyền hình chỉ để xem thể thao không còn thỏa mãn được nhu cầu của cả gia đình nữa. Tuy vậy, chuyển đổi như thế nào vẫn là một bài toán chưa có lời giải đáp.

Giá trị của thể thao vẫn gắn liền với truyền hình trực tiếp – một mối liên kết khó có thể thay đổi

Với thể thao thì tính chất trực tiếp, tính cập nhật tức thời là quan trọng nhất. Đặc điểm này khiến thể thao vẫn là hoàn hảo nhất cho truyền hình, khi khán giả chờ đợi đúng giờ để có thể xem những trận đấu hấp dẫn. Và về mặt kinh tế, truyền hình trả tiền vẫn mang lại doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) cao hơn đáng kể so với video D2C. ARPU của Pay-TV là 84 đô la, cao hơn bảy lần so với 11 đô la của Netflix (một trong những dịch vụ online streaming có mức giá cao nhất).

Với doanh thu thể thao luôn lớn, các đơn vị truyền hình và thể thao luôn phải đảm bảo chương trình của họ hấp dẫn nhất để có thể thu hút càng nhiều khán giả càng tốt, vì với truyền hình truyền thống, doanh thu tỷ lệ thuận với quy mô khán giả. Tuy nhiên, quy mô ngày càng giảm của truyền hình lại đang hạn chế khả năng phát triển của thể thao. Kể từ năm 2010, hệ sinh thái truyền hình trả tiền đã giảm gần 30% số giờ xem và giảm 60% khán giả từ 12 đến 35 tuổi. Ngoài ra, tỷ lệ lợi nhuận của các nhà cung cấp truyền hình cáp đã giảm từ gần 80% vào giữa những năm 90 xuống gần 20% tại thời điểm hiện tại.

Những nguồn doanh thu khác của thể thao như tài trợ và bán vé cũng đều khó có thể tách rời khỏi số lượng khán giả. Một số đơn vị đã tìm ra cách để tăng thời gian xem và lượng khán giả bằng cách mở rộng các giải đấu và cuộc thi, kéo dài các mùa giải hoặc đơn giản là tăng số lượng và định dạng của nội dung có thể phát sóng lại. Nhưng rõ ràng là các đội không thể chơi quá nhiều trong một mùa giải, luôn có giới hạn về số lượng trận đâu mà các đội có thể chơi trong một năm.

Quyền lợi tập trung ở một số câu lạc bộ và giải đấu, điều này làm giảm động lực để thay đổi

Không có gì phải bàn cãi về mức độ thành công của các giải đấu lớn trong việc tối đa hóa lợi nhuận từ những gì họ có. Chỉ cần nhìn vào sự tăng trưởng giá trị của bản quyền truyền thông thể thao, chỉ riêng ở Mỹ đã tăng gần 150% từ năm 2006 đến năm 2018 và tất nhiên sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2023.

covid 19 sport 03

Điều này đã mang lại giá trị đáng kinh ngạc cho các vận động viên và chủ sở hữu câu lạc bộ trong các giải đấu phổ biến nhất. Vào năm 1975, mức lương trung bình trong năm của các cầu thủ tương đương với khoảng 435.500 đô la ngày nay, trong khi mức lương trung bình cho mùa giải tới dự kiến là 10.000.000 đô la – tăng hơn 2.000%. Trong khi đó, định giá của các đội ở các giải đấu lớn đã tăng từ 100% đến 400%.

Mặc dù mô hình này đã đem lại những thành công to lớn nhưng thủy triều dâng không nâng lên tất cả các con thuyền. Ví dụ, trong bóng đá châu Âu, UEFA đã báo cáo doanh thu tập trung ngày càng tăng tại các câu lạc bộ giàu nhất châu lục. Trong thập kỷ qua, 15 câu lạc bộ lớn nhất đã tăng doanh thu tài trợ và thương mại lên đến 1,9 tỷ euro. Trong khi đó, 700 câu lạc bộ châu Âu còn lại cộng lại với mức tăng ít hơn 800 triệu euro. Sự bất bình đẳng này sẽ còn tiếp diễn khi những câu lạc bộ thành công nhất luôn muốn tận dụng tối đa các sản phẩm của họ và nhận được sự ưu ái tối đa của các nhà phân phối nội dung.

Vẫn trong nội dung được chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế thế giới của tác giả, còn 4 vấn đề khác mà ngành thể thao cần xem xét trong mối quan hệ với truyền hình. Đó là:

  • Kênh thông tin cá nhân, nền tảng riêng của các VĐV, CLB
  • Gói truyền hình trả tiền và Gói truyền hình thể thao
  • Kết hợp truyền hình truyền thống và trực tuyến khi xem thể thao
  • Sự hội tụ trong ngành thể thao

Trong bài đăng tiếp theo, VIETNAM-TAM sẽ tiếp tục cung cấp chi tiết những nội dung này.

(Còn tiếp)

Thanh Mai (biên dịch từ www.weforum.org) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *