Khơi gợi tâm trí
Nhà tâm lý học lâm sàng Matthew Rouse cho rằng khi con trẻ chia sẻ và nói chuyện với cha mẹ về những nội dung gây khó chịu mình đã xem, về sau các em có nhiều khả năng sẽ tâm sự với cha mẹ nếu chính mình gặp điều tương tự trong cuộc sống thực.
“Khi đề cập đến những điều rất, rất nhạy cảm và mang tính cá nhân, sẽ dễ dàng hơn nếu bọn trẻ nói theo cách của người thứ ba hoặc nói đến một nhân vật hư cấu nào đó. Sau này, nhờ đã thảo luận về điều đó, trẻ có thể dựa vào để liên hệ với vấn đề mình đang đối mặt. Vì vậy, nếu bạn đã trò chuyện với con về vấn đề nào đó thông qua một chương trình truyền hình hấp dẫn, hy vọng khi gặp phải trong đời thực, con bạn sẽ nhớ đến những điều bạn đã trao đổi.
Kiểm soát những tác hại
Với sự gia tăng các thiết bị để xem video, cha mẹ gần như không thể ngăn cấm trẻ em tiếp cận với các chương trình vô ích hoặc thậm chí có hại cho các con. Tiến sĩ Rouse nói: “Nếu bạn lo lắng về hành động hoặc thông tin nào đó, thì việc xem cùng con sẽ trở thành cơ hội để bạn phản bác lại và điều chỉnh những thứ đó”.
Điều này đặc biệt phù hợp với những chương trình có thể gây tổn thương hoặc thậm chí nguy hiểm cho con bạn. Loạt phim “13 Reasons Why” gần đây của Netflix là một ví dụ điển hình. Bộ phim bị chỉ trích nhiều vì mô tả chi tiết vụ tự tử của một cô gái trẻ. Tiến sĩ Peter Faustino, một nhà tâm lý học học đường cho biết: “Thanh thiếu niên rất dễ bị tác động và cha mẹ rất cần biết con mình đang xem gì”. Tiến sĩ Faustino có ba cô con gái – chỉ con lớn 15 tuổi xem trọn bộ phim, cặp song sinh 12 tuổi đã quyết định không xem phim sau 2 tập đầu. “Tôi rất may mắn khi các con gái tôi có thể xử lý nội dung trong những thứ mà nó xem như loạt phim ‘13 Reasons Why’. Các trẻ em dễ bị căng thẳng, tổn thương về tâm lý, bệnh tâm thần thì không nên xem hoặc chỉ xem khi có sự tư vấn của cha mẹ ”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Faustino không khuyên bạn cấm con xem chương trình mà tất cả các bạn cùng trang lứa đang quan tâm chỉ vì nó có thể khiến chính các con khó chịu. “Cấm con xem những thứ này sẽ đóng lại cánh cửa cho các cuộc trò chuyện với trẻ ở tuổi thanh thiếu niên. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cha mẹ lắng nghe con cái và đặt những câu hỏi có thể làm rõ lý do chúng quan tâm đến một số chủ đề nhất định”.
Tại sao? “Bởi vì nếu một đứa trẻ nói rằng ‘Con muốn xem vì mọi người đều xem nó’, điều đó rất khác so với việc chúng nói ‘Con đang cảm thấy một số vần đề và con nghĩ đó có thể là cách giải quyết vấn đề của con”, TS. Faustino cho biết thêm. “Đó chắc chắn là một cuộc trò chuyện rất khác, từ đó cha mẹ cần sửa chữa những hiểu lầm hoặc suy nghĩ sai của con mình.”
Quang Anh (tổng hợp từ website ChildmindInstitute.com)