PayTV Việt Nam: Làm gì để vượt khó?

paytv vietnam 2019 2024

 

Báo cáo của GlobalData dự đoán tỉ lệ sử dụng truyền hình trả tiền của các hộ gia đình tại Việt Nam sẽ giảm từ mức ước tính 37,0% vào năm 2019 xuống 30,3% vào cuối năm 2024 do xu hướng dịch chuyển sang các dịch vụ internet và OTT.

Theo khảo sát của VIETNAMTAM, Việt Nam hiện có khoảng 12-13 triệu thuê bao PayTV. Doanh thu từ thuê bao PayTV đạt khoảng 9000 nghìn tỷ đồng (năm 2019). Truyền hình cáp vẫn chiếm thị phần lớn nhất trong các hạ tầng của Pay TV nhưng có sự dịch chuyển đáng kể các thuê bao từ truyền hình cáp tương tự sang truyền hình cáp số. Ngoài ra, với các gói thuê bao tích hợp dịch vụ internet, dịch vụ IPTV cũng phát triển rất nhanh tại các thành phố lớn và dự báo có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng trên 20% trong năm 2020 so với năm 2019.

paytv vietnam 2019 2024 2

Mặc dù số lượng thuê bao PayTV tại thị trường Việt Nam vẫn gia tăng qua các năm nhưng doanh thu từ dịch vụ này lại có chiều hướng suy giảm, theo dự báo của nhiều chuyên gia. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến gồm: 

  • Khó khăn chung trong đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả các ngành.
  • Cách thức cạnh tranh kém hiệu quả giữa các Pay TV trong nước với nhau. Để tăng số lượng thuê bao, các đơn vị cung cấp đều chạy đua giảm giá dịch vụ thay vì đầu tư nâng cao chất lượng nội dung. Hậu quả là, doanh thu đến từ mỗi hợp đồng dịch vụ giảm đi, chưa kể chất lượng nội dung đi xuống khiến số lượng thuê bao ngừng sử dụng dịch vụ cũng ngày càng tăng.
  • Sự chiếm lĩnh thị trường của các OTT nước ngoài. Trong khi các dịch vụ truyền hình trong nước phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về kiểm duyệt nội dung thì hiện chưa có quy định pháp luật trong quản lý các dịch vụ OTT nước ngoài, chưa tính đến việc các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đóng thuế, phí…theo quy định. Điều này giới hạn khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các dịch vụ quốc tế ngay trên sân nhà.
  • Vấn đề vi phạm bản quyền các nội dung truyền hình, phim ảnh một cách tràn lan vẫn là thách thức nhức nhối đối với các đơn vị truyền hình trả tiền.

Dù còn nhiều trở ngại và bất cập, PayTV vẫn có tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam nhờ các yếu tố thuận lợi như:

  • Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm đã thực hiện những báo cáo, nghiên cứu về các quy định pháp luật, tiến tới đề xuất sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển khỏe mạnh của thị trường PayTV, trong đó hướng đến sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
  • Khán giả trung tuổi (30-40 tuổi) đang dần quen và dễ chấp nhận trả tiền để sử dụng dịch vụ truyền hình chất lượng cao, khác với các thế hệ trước đó. Điều này có thể giúp tỷ lệ thâm nhập của PayTV được gia tăng trong những năm tới.
  • Hạ tầng truyền dẫn của Việt Nam rất tốt, giá cước rẻ. Đây là lợi thế rất lớn để PayTV cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
  • Các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang có những động thái mạnh mẽ để đẩy lùi vấn nạn Vi phạm bản quyền truyền hình.

Những khó khăn, thách thức đối với thị trường PayTV Việt Nam là rất lớn và cần thời gian để khắc phục. Chỉ khi các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, thị trường PayTV tại Việt Nam mới trở thành một sân chơi cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Về lâu dài, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ không chỉ chạy đua tăng số lượng thuê bao mới mà còn phải đầu tư vào chất lượng nội dung, kết hợp với các dịch vụ giá trị gia tăng khác để giữ thuê bao và tạo lợi ích cộng gộp. Nhà cung cấp nào có năng lực và chiến lược tốt sẽ được thị trường chọn lựa.

Thanh Vân.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *