Thời đại của các ứng dụng OTT và dữ liệu lớn (Big Data)
Trong lĩnh vực truyền hình, sự phổ biến của internet tốc độ cao và sự bùng nổ của thiết bị di động thông minh đã thay đổi hoàn toàn cách khán giả xem nội dung. Khán giả 10 năm trước hoàn toàn phụ thuộc vào truyền hình cáp, vệ tinh. Ngày nay, họ đã có thêm rất rất nhiều lựa chọn để xem truyền hình hay video, tạo nên thời đại của các ứng dụng ‘Over The Top’ hoặc OTT, nơi nội dung được phân phối đến khán giả thông qua kết nối internet.
Thị trường OTT thế giới đã và đang bùng nổ với các dịch vụ phổ biến như Netflix, Hulu và gần đây là sự vươn lên của Disney+ hay HBO Max. Các báo cáo dự đoán thị trường OTT và SVOD (video theo yêu cầu) ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ đạt doanh thu 42 tỷ USD từ 351 triệu người đăng ký vào năm 2023.
Hiện có hơn 400 dịch vụ đăng ký video theo yêu cầu (SVOD) trên toàn thế giới chưa tính đến các ứng dụng OTT của các đơn vị truyền hình truyền thống đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này khiến thị trường OTT trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Vấn đề lớn nhất của các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT không phải là thu hút khách hàng mà phải tìm ra cách để họ tiếp tục sử dụng dịch vụ sau trải nghiệm xem ban đầu rồi trở thành khách hàng yêu thích, cũng như sẵn sàng trả tiền dịch vụ lâu dài.
Làm sao có thể làm được điều đó? Câu trả lời nằm ở dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu.
Big data và phân tích dữ liệu cung cấp “chân dung 360 độ” về từng khách hàng
Chìa khóa cho một dịch vụ OTT thành công bắt đầu từ sự thấu hiểu về khách hàng và đáp ứng nhu cầu của họ một cách kịp thời, nhanh chóng – cho dù đó là nội dung, trải nghiệm người dùng hay mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, việc chỉ cung cấp nội dung trên diện rộng là không đủ. Cá nhân hóa, tức là hiểu biết sở thích từng người sử dụng, mới là yếu tố then chốt của các dịch vụ video trực tuyến.
Khán giả OTT ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn từ miễn phí đến trả phí, từ SVOD đơn thuần đến SVOD kết hợp truyền hình, rồi việc đăng ký mới cũng như ngừng dịch vụ đều hết sức dễ dàng. Hầu hết các OTT đều phải cố gắng tối đa để giữ chân người dùng sau khi ra mắt dịch vụ. Phân tích Big Data cung cấp cho các đơn vị OTT khả năng tổng hợp nhiều tập dữ liệu khác nhau và góc nhìn khách hàng 360 độ. Các đơn vị OTT có thể sử dụng các mô hình dự đoán chính xác hơn với dữ liệu lịch sử và thời gian thực, dữ liệu người dùng và hành vi của người dùng cũng như các dữ liệu liên quan khác để xác định những nhóm có nguy cơ ngừng dịch vụ cao. Họ cũng có thể hiểu biết chi tiết về nguyên nhân chính gây ra việc dừng dịch vụ, từ đó chủ động đưa ra các biện pháp giải quyết.
Tối ưu nội dung cung cấp bằng việc cá nhân hóa
Nội dung được đưa ra phù hợp tới từng cá nhân và theo từng hoàn cảnh là những gì khán giả OTT mong muốn. Ngày nay, trong bối cảnh các online streaming mới xuất hiện liên tục, nội dung được sản xuất nhiều chưa từng có và yêu cầu ngày càng cao của người dùng, các công cụ đề xuất cần được tối ưu hóa và cá nhân hóa hơn nữa để cung cấp nội dung phù hợp cho người dùng.
Phân tích chuyên sâu nguồn dữ liệu lớn cũng giúp các đơn vị OTT nắm được các thể loại nội dung có nhu cầu cao, nội dung mà khán giả yêu cầu vào thời điểm nào trong ngày, khi nào họ tạm dừng hoặc họ bỏ qua nội dung nào. Dựa trên dữ liệu này, các nhà cung cấp OTT có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc phân bổ nội dung. Ứng dụng nghe nhạc ‘Spotify’ được xem là mô hình thành công trong việc phân phát nội dung dựa trên sở thích của từng cá nhân bằng cách kết hợp các tập dữ liệu lớn gồm dữ liệu người dùng và metadata để phân tích, từ đó tinh chỉnh công cụ đề xuất, đảm bảo nội dung phù hợp đến được đúng người dùng.
Việc nắm bắt được hành vi, sở thích của khán giả theo từng địa bàn cụ thể và hiểu rõ hơn về thông tin nhân khẩu học, thiết bị và hệ điều hành của người dùng càng trở nên cần thiết khi các nhà cung cấp OTT tìm cách thu hút khán giả quốc tế.
Kết luận
Big Data và Phân tích đang biến đổi thế giới OTT bằng cách nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua các đề xuất được cá nhân hóa và ngày càng chính xác hơn. Nó cho phép quảng cáo trở nhắm đến mục tiêu hiệu quả hơn dựa trên sở thích của người dùng. Big Data và Phân tích dữ liệu cũng giúp đưa ra dự đoán chính xác hơn về các ưu đãi tốt nhất tiếp theo, các cách bán hàng hiệu quả hơn.
Lợi thế mà những người chơi OTT có được là họ đã có sẵn kho dữ liệu khổng lổ. Tuy nhiên, theo giáo sư Gary King của Đại học Harvard, “Dữ liệu lớn không phải về lượng dữ liệu mà là về phân tích dữ liệu”. Biết cách làm cho dữ liệu này có ý nghĩa, hiểu cách có thể đào sâu và khai thác dữ liệu cũng như sử dụng các phân tích phù hợp mới có thể giúp các đơn vị OTT có thông tin chi tiết mà họ cần để thiết kế các phương pháp tiếp cận tốt nhất nhằm mang lại sự hài lòng của khách hàng, giữ chân khách hàng và gia tăng lợi nhuận.
Thanh Mai (dịch theo bài viết của tác giả Prashant Pansare- 2020)