Phương thức xem truyền hình trên TV truyền thống đang bị thay thế dần bởi phương thức xem truyền hình trên Internet. Theo một nghiên cứu gần đây của eMarketer, hơn 56 triệu người Mỹ đã chuyển từ dịch vụ truyền hình truyền thống sang OTT. Phần lớn lý do vì với OTT, họ có thể xem nội dung họ muốn ở mọi lúc, mọi nơi. Dự báo năm 2021 của eMarketer còn cho thấy 73,1% người dùng Internet ở Hoa Kỳ sẽ sử dụng dịch vụ video OTT ít nhất một lần mỗi tháng.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy được tiềm năng và các ứng dụng hấp dẫn mà OTT có thể mang lại và khai thác tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt khi tỉ lệ của các thiết bị thông minh như (smart devices – bao gồm: smartphone, tablet, phablet, smart TV) đang ngày càng phổ biến. Ngoài ra, một yếu tố thuận lợi nữa cho thấy đây là thời điểm tốt để OTT phát triển tại Việt Nam chính là hạ tầng internet. Hạ tầng internet Việt Nam đã khá hoàn chỉnh với chi phí đầu và cuối khá thấp, tạo điều kiện để Việt Nam có tỷ lệ người dùng truy cập internet, 3G cao và độ phủ rộng.
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng đầu tư phát triển OTT, truyền hình trên Internet là xu hướng của các đài truyền hình. Các đài truyền hình đã nhận thấy rõ sự thay đổi hành vi của người xem truyền hình. Giới trẻ đang dần ít xem TV truyền thống hơn, đối tượng xem TV truyền thống giờ đa số là người già, phụ nữ và chủ yếu cũng chỉ xem phim. Vì vậy, ác “nhà đài” giờ đây không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nội dung chương trình, mà còn nỗ lực đưa ra những trải nghiệm mới như truyền hình tương tác để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30 sản phẩm truyền hình OTT gồm truyền hình Internet phát qua TV và truyền hình phát qua ứng dụng được tải về trên các thiết bị di động. Nhu cầu OTT tăng mạnh vào những thời điểm có sự kiện thể thao như World cup, AFC cup nhưng sau đó lại giảm dần. FPT Play đang là OTT chịu đầu tư nhất với nội dung chất lượng, đặc biệt là kho phim bản quyền nhờ hợp tác với HBO Go. Tuy nhiên, nhìn chung, nội dung trên truyền hình OTT tại Việt Nam chủ yếu vẫn tương tự như trên truyền hình truyền thống và có thể xem lại mà thôi.
OTT hiện đang phát triển rất nhanh và là xu hướng tất yếu của truyền hình không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Để có thể thực sự phát triển lành mạnh và bền vững, thị trường OTT Việt Nam bắt buộc phải giải quyết được những khó khăn hiện có, bao gồm:
- Bảo vệ bản quyền nội dung
- Xây dựng kho nội dung hấp dẫn
- Quy trình cấp phép thuận lợi
- Cạnh tranh với các OTT xuyên biên giới
Chúng ta cùng chờ đợi và hy vọng OTT Việt Nam phát triển và đem lại nhiều giá trị nội dung hấp dẫn cho khán giả.
Thanh Vân.