5G – tương lai “sáng” cho ngành truyền hình

 

 

cong nghe 5g 01

Theo Báo cáo Di động mới nhất của Ericsson, đến cuối năm nay, hơn 15% dân số thế giới sẽ được phủ sóng 5G, và đến năm 2026, 60% dân số thế giới sẽ được phủ sóng 5G, với số lượng thuê bao 5G đạt 3,5 tỷ.

Tại những nơi đã có mạng 5G, dù chưa đạt tốc độ lý thuyết, 5G vẫn gây ấn tượng đối với hầu hết ứng dụng thông thường. Chẳng hạn, với tốc độ 1 gigabit/giây, người dùng có thể tải sách âm thanh dài 9 tiếng trong chưa đầy 1 giây. Chỉ cần 1/10 tốc độ này, tương đương 100 megabit/giây, chương trình truyền hình có thời lượng 45 phút chỉ mất 16 giây để tải về. Tốc độ vượt trội này sẽ cho phép người dùng xem video chất lượng cao 4K/8K, tương tác thực tế ảo (VR) hay video 360 livestreaming…

Mạng 5G sẽ hỗ trợ các công nghệ IoT thiết yếu, được sử dụng trong cho các ứng dụng có yêu cầu chặt chẽ về thời gian cung cấp dữ liệu nhờ độ trễ lý tưởng gần như bằng 0. Việc phát sóng truyền hình qua 5G, nhờ đó, sẽ không bị giới hạn chỉ ở TV di động hay máy tính bảng mà còn có thể triển khai ở thiết bị đa phương tiện trên ô tô hay các phương tiện vận tải khác.

cong nghe 5g 02

 

Với tốc độ vượt trội trong truyền tải nội dung cùng khả năng tương thích với các dịch vụ phát trực tuyến OTT, 5G Broadcast được coi là một công nghệ tương lai cho lĩnh vực truyền hình.

Tuy nhiên, việc thiếu thiết bị đầu cuối đáp ứng công nghệ 5G là thách thức lớn nhất không chỉ với truyền hình mà với tất cả các lĩnh vực khác. Tính khả dụng của thiết bị hỗ trợ 5G hiện nay vẫn còn rất hạn chế ở tất cả các quốc gia. Đây là yếu tố chính cản trở người dùng tiếp cận với thế hệ mạng viễn thông mới và ưu việt này. Ví dụ điển hình là điện thoại thông minh, thiết bị cầm tay phổ biến đóng vai trò quan trọng khi đánh giá quy mô phổ cập 5G ở một quốc gia. Mặc dù các mẫu smartphone 5G mới liên tục được ra mắt thời gian gần đây, nhưng số lượng người dùng sở hữu các mẫu smartphone này vẫn chưa nhiều. Tháng 4/2019, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thương mại mạng 5G. Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về tỉ lệ dân số sở hữu thiết bị hỗ trợ 5G, với khoảng 5,88 triệu thiết bị, tuy nhiên, mới chỉ chiếm 10% tổng số smartphone đang được sử dụng tại quốc gia này mà thôi.

Theo kế hoạch, mạng 5G sẽ sớm được các nhà mạng lớn của Việt Nam triển khai trên quy mô toàn quốc vào tháng 12/2020 và điều này mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ liên quan.

Có thể nói, chuẩn kết nối 5G sẽ đặt nền móng cho một mô hình tiếp theo trong sự phát triển của nền tảng công nghệ toàn cầu nói chung, cũng như lĩnh vực truyền hình nói riêng. Những lợi ích về kinh tế và xã hội sẽ cho phép mang đến một mức độ dịch vụ mang tính cách mạng, với khả năng kết nối sâu rộng và ưu việt hơn. Cùng với đó là sự ra đời của các mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt, không chỉ cải thiện năng suất, tính hiệu quả, mà còn góp phần mở đường cho sự ra đời của nhiều dịch vụ vô cùng mới mẻ.

Thanh Mai.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *