Quy trình đo lường
Hệ thống VIETNAM-TAM áp dụng quy trình tiêu chuẩn đo lường khán giả truyền hình gồm 09 bước của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen (Nielsen TAM Global).
Bước 1: Establishment Survey – Khảo sát cơ bản
Khảo sát cơ bản là cuộc khảo sát trực tiếp được tiến hành trên diện rộng tại các khu vực nghiên cứu nhằm thu thập thông tin về đặc điểm nhân khẩu học của hộ gia đình và của các cá nhân, đặc điểm hạ tầng và thiết bị sử dụng để xem truyền hình, mức độ và thói quen xem truyền hình của hộ gia đình và nhiều thông tin khác.
Khảo sát cơ bản của VIETNAM-TAM cũng tuân thủ các yêu cầu về phương pháp điều tra chọn mẫu cũng như kiểm soát chất lượng việc thu thập thông tin để các kết quả đạt được độ tin cậy tối thiểu 95% và và sai số tối đa 3%. Khảo sát cơ bản thường được tiến hành định kỳ hàng năm, vào cùng một thời điểm trong năm.
Các kết quả của khảo sát cơ bản sẽ được sử dụng để (1) thiết kế TAM Panel và điều chỉnh các tiêu chí kiểm soát chất lượng của mẫu đo lường khán giả truyền hình (Panel), (2) tính toán Universe (tổng thể dân số) tại khu vực nghiên cứu, (3) chọn lựa hộ gia đình vào mẫu đo lường.
Khảo sát cơ bản thường niên của VIETNAM-TAM được Nielsen Việt Nam thực hiện vào tháng 3 và tháng 9 với tổng lượng mẫu khảo sát: 17.200 mẫu được khảo sát tại 5 thị trường đo lường gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bước 2: The Panel – Thiết lập và duy trì TAM Panel
TAM Panel là mẫu khảo sát đại diện bao gồm các hộ gia đình được tuyển chọn để gắn thiết bị đo lường People Meter nhằm thu thập dữ liệu về hoạt động xem truyền hình tại hộ gia đình hàng ngày.
TAM Panel được thiết lập dựa trên các tiêu chí kiểm soát nhằm đảm bảo Panel đại diện cho dân số tại khu vực nghiên cứu và các đặc điểm xem truyền hình được thu thập bởi khảo sát cơ bản trước đó. Số lượng hộ gia đình trong Panel cần đáp ứng độ tin cậy tối thiểu 95% và sai số tối đa 3% theo phương pháp tính kích cỡ mẫu của chuyên ngành thống kê, điều tra khảo sát.
Các tiêu chí kiểm soát TAM Panel được VIETNAM-TAM chia thành hai nhóm chính, phụ và được áp dụng như sau:
Các tiêu chí kiểm soát chính:
- (1) Quy mô của Hộ gia đình: 1-3 người, 4 người, 5+ người.
- (2) Phân lớp Kinh tế – Xã hội của Hộ gia đình: AB, C, D, E.
- (3) Số lượng ti vi của Hộ gia đình: 1 ti vi 2+ ti vi.
Các tiêu chí kiểm soát phụ:
- (4) Hạ tầng cung cấp dịch vụ truyền hình của Hộ gia đình: truyền hình cáp tương tự, truyền hình cáp kỹ thuật số, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình kỹ thuật số vệ tinh, IPTV.
- (5) Mức độ xem truyền hình trung bình của Hộ gia đình: xem nhiều, xem vừa, xem ít.
- (6) Khu vực địa lý: phân bố các hộ gia đình trên tất cả các quận/huyện của khu vực nghiên cứu.
- (7) Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình: VTVCab, SCTV, HTVC, VTC, MobiTV, K+, Viettel, VNPT …
Các hộ gia đình được tuyển chọn và mời tham gia vào Panel theo các tiêu chí kiểm soát chính và phụ của thiết kế Panel. Sự tham gia của các hộ gia đình vào Panel là hoàn toàn tự nguyện.
Bước 3: The People Meter – Lắp đặt People Meter
Sau khi đồng ý tham gia vào Panel, các tivi của hộ gia đình được sử dụng với mục đích xem truyền hình sẽ được lắp đặt thiết bị People Meter để ghi nhận hoạt động xem truyền hình của các thành viên trong hộ gia đình. Có 06 loại dữ liệu chính được thiết bị People Meter thu thập gồm:
- Thời gian bật TV
- Thời gian tắt TV
- Kênh truyền hình được xem mã hóa dưới dạng chữ ký âm thanh số
- Nguồn của kênh truyền hình đó
- Mã thành viên trong hộ gia đình đang xem
- Thời gian xem TV/kênh của thành viên trong Hộ gia đình
Các thành viên trong hộ gia đình sẽ được hướng dẫn thực hiện thao tác bấm đăng nhập đăng xuất trên điều khiển từ xa của thiết bị People Meter khi xem hoặc ngừng xem tivi. Các hộ gia đình lắp mới được đặt ở trạng thái theo dõi. Dữ liệu của các hộ này trong giai đoạn chạy thử không được đưa vào sản xuất trong dữ liệu cuối cùng. Giai đoạn chạy thử diễn ra khoảng 03 ngày với sự giám sát và nhắc nhở của nhân viên quản lý hộ nhằm đảm bảo các thành viên hộ gia đình sử dụng thuần thục và tuân thủ các hướng dẫn thao tác khi xem tivi. Chỉ những hộ gia đình có dữ liệu đạt yêu cầu kiểm soát chất lượng mới được đưa vào sản xuất.
Bước 4: Polling – Thu thập dữ liệu từ hộ gia đình
Toàn bộ hoạt động xem truyền hình trong ngày của các thành viên trong hộ gia đình được thiết bị People Meter tự động ghi nhận và gửi về hệ thống trung tâm từ 2:00 đến 6:00 sáng hàng ngày thông qua kết nối GPRS/3G.
Bước 5: Reference site – Thu thập tín hiệu kênh tham chiếu
Tín hiệu kênh tham chiếu được dùng để đối chiếu với dữ liệu gửi về từ hộ gia đình nhằm xác định chính xác kênh hộ gia đình đã xem. VD: để biết Hộ gia đình có xem kênh VTV1 hay không thì tại Trung tâm phải có tín hiệu tham chiếu của kênh VTV1.
Tín hiệu các kênh tham chiếu của VIETNAM-TAM được thu thập và truyền dẫn trực tiếp từ các Đài/kênh truyền hình qua cáp quang để đảm bảo tín hiệu có chất lượng và ổn định cao nhất. Tín hiệu các kênh tham chiếu cũng được tự động ghi nhận và mã hóa dưới dạng chữ ký âm thanh số tương tự như trên thiết bị People Meter tại Hộ gia đình và được lưu trữ trên Hệ thống trung tâm.
Bước 6: Central Audio Matching – Đối chiếu âm thanh
Tại bước này, dữ liệu chữ ký âm thanh số được gửi về từ hộ gia đình được đối chiếu với dữ liệu chữ ký âm thanh số của các kênh tham chiếu lưu tại Hệ thống trung tâm để nhận diện được chính xác kênh hộ gia đình đã xem trên từng TV.
Bước 7: POLLUX, production software – phần mềm sản xuất dữ liệu POLLUX
Dữ liệu gửi về hàng ngày của hộ gia đình sau bước 5 tiếp tục được bổ sung thêm các thông tin nhân khẩu học tương ứng với các thành viên của hộ gia đình được lưu trước trước khi đưa vào xử lý.
Trong quá trình xử lý dữ liệu, phần mềm POLLUX sẽ tự động phát hiện và loại bỏ các dữ liệu không hợp lệ nhằm cung cấp kết quả dữ liệu cuối cùng đạt chất lượng cao. Quá trình kiểm soát chất lượng dữ liệu được tự động thực hiện bởi POLLUX và các báo cáo kiểm soát chất lượng được tự động tạo ra hàng ngày.
Dữ liệu cũng được tính trọng số trong bước này. Trọng số được sử dụng để tính toán Universe, từ đó ước tính tổng số người xem thực tế xem truyền hình.
Chú ý: tại bước này, ta có thể biết được ai đang xem kênh gì, vào thời gian nào. Tuy nhiên ta chưa thể biết nội dung chương trình được xem là gì.
Bước 8: Program Name Database – Ghi nhận nội dung chương trình
Việc ghi nhận nội dung chương trình nhằm cho biết chính xác thể loại, nội dung chương trình được xem bởi khán giả. Dữ liệu mô tả các chương trình, các quảng cáo được ghi nhận chính xác đến từng giây.
- Các thể loại chương trình được ghi nhận: Chương trình cụ thể trong lịch phát sóng, chương trình lấp chỗ trống, chương trình quảng cáo. Phân loại các chương trình được VIETNAM-TAM quy định tại tài liệu Program Typology.
- Các thể loại quảng cáo được ghi nhận: TVC (quảng cáo về sản phẩm, thương hiệu); Sponsor (clip quảng cáo của đơn vị tài trợ chương trình truyền hình), Promo, Billboard … Phân loại hình Quảng cáo, phân loại ngành hàng Quảng cáo được VIETNAM-TAM quy định tại tài liệu Product Typology.
Bước 9: Data Delivery – Bàn giao dữ liệu
Dữ liệu xem truyền hình của các thành viên trong hộ gia đình ở bước 7 kết hợp với dữ liệu ghi nhận nội dung chương trình và nội dung quảng cáo ở bước 8 sẽ cho biết đầy đủ và chính xác khán giả xem gì. Hệ thống VIETNAM-TAM kết hợp hai loại dữ liệu này thành một dạng dữ liệu duy nhất và bàn giao cho các đối tác/khách hàng khai thác, sử dụng thông qua công cụ phân tích ARIANNA.
Hàng ngày, các khách hàng/đối tác có thể tải về các dữ liệu của ngày hôm trước để thực hiện việc phân tích chuyên sâu hơn trên công cụ ARIANNA hoặc các công cụ phân tích chuyên dụng khác.